NHIỆM VỤ - CHỨC NĂNG

Khoa đảm nhận nhiệm vụ đào tạo từ bậc đại học đến cao học và Tiến sĩ.

Theo thống kê đến nay có khoảng 2148 sinh viên tốt nghiệp hệ cử nhân khoa học, 93 học viên cao học được cấp bằng Thạc sĩ và 11 nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ. Số liệu trên đây không kể một số lượng không nhỏ các sinh viên hệ tại chức được triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh. Các bộ môn Giải tích, Đại số, phương pháp giảng dạy và Hình học đều có mã số đào tạo Thạc sĩ. Các bộ môn Giải tích, Hình học và Phương pháp giảng dạy Toán đã có mã số đào tạo Tiến sĩ, bộ môn Đại số đang xúc tiến hồ sơ để được cấp mã số.

Trong tám năm qua, Khoa cũng mở  8 khoá đào tạo Thạc sĩ giáo dục chuyên  ngành Didactique Toán hệ song ngữ với sự trợ giúp về chuyên môn của các GS thuộc Viện Đại học Grenoble.

Hiện nay Khoa nhận nhiệm vụ đào tạo hai ngành cử nhân khoa học là cử nhân khoa học toán và cử nhân khoa học tin học. Song song với hệ đào tạo chính qui, Khoa còn nhận đào tạo hệ chính qui tại địa phương hai ngành trên cho các tỉnh. Một số tỉnh gửi sinh viên của họ lên thành phố để học.

Khoá đào tạo chính qui tại địa phương đầu tiên của Khoa đang vào giai đoạn thực tập sư phạm và thi tốt nghiệp. Khoa cũng mở một số lớp ĐH tại chức. Hiện nay, tại TP HCM ta có một ĐHTC Toán và sắp tới sẽ mở một lớp ĐHTC đào tạo giáo viên tin học tại Quận 5

Nhiệm vụ thứ hai là Khoa nhận đào tạo Thạc sĩ với các chuyên ngành: Giải tích, Đại số, Hình học, Phương pháp giảng dạy Toán, trong đó bao gồm hệ song ngữ kết hợp với Trường Đại học Grenoble (Pháp)

Nhiệm vụ thứ ba là Khoa nhận đào tạo Tiến sĩ với chuyên ngành Giải tích, Hình học và Phương pháp giảng dạy Toán. Hiện nay, Khoa đang xúc tiến thủ tục để mở mã số đào tạo Tiến sĩ với chuyên ngành Đại số và lý thuyết số.

Nhiệm vụ thứ tư, Khoa còn là một trung tâm nghiên cứu khoa học của Trường với nhiều đề tài khoa học cấp bộ, trong tương lai ta cũng sẽ đăng ký một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước. Hai năm một lần, kể từ năm 2000, Khoa sẽ tổ chức Hội nghị Khoa học với qui mô ngày càng tăng.Trong các năm 2000, 2002, 2008 Khoa đã tổ chức thành công các HNKH với khoảng 40 báo cáo trong và ngoài trường.

Thể hiện vai trò của một trường đại học sư phạm trọng điểm của các tỉnh phía nam, Khoa Toán-Tin đã hỗ trợ cho các trường đại học thuộc các tỉnh đồng bằng song Cửu Long. Trong các năm 2004 đến 2006, Khoa đã giúp Đại học An Giang đào tạo chất lượng cao các sinh viên ngành sư pham Toán. Rất nhiều sinh viên đã được nhà trường giử lại làm Giảng viên và cử đi học Thạc sĩ tại tại các trung tâm đào tạo lơn như ĐHSP Hà Nội, Viện Toán học và ĐHSP TP HCM. Khoa cũng tham gia đào tạo cho Đại học Cửu Long, Đại học Kinh tế và Kỹ nghệ Long An. Hiện nay vào năm 2009 một mô hình hợp tác hiệu quả như đã thực hiện cho Đại học An Giang đã được triển khai cho Đại học Tiền Giang.

Quan hệ quốc tế là một thế mạnh của Khoa Toán-Tin so với các Khoa khác trong trường. Hiện nay Khoa Toán-Tin đã đạt được một thỏa thuận hợp tác với Nhóm Didactic toán tại ĐH Joseph Fourrier, hằng năm đều có lịch làm việc chung tại ĐHSP TP HCM hoặc tại Grenoble. Nhờ sự giúp đỡ của GS Đỗ Đức Thái (ĐHSP Hà Nội) và GS Nguyễn Thanh Vân (Đại học Toulouse 3), Khoa đã cử được 2 giảng viên theo học Thạc sĩ tại trường này.

Mặt khác thông qua chương trình hợp tác với Khoa Toán-tin ĐHKHTN TP HCM, hằng năm nhiều sinh viên giỏi của Khoa sau khi tốt nghiệp đã được tuyển chọn sang học một khóa về Toán ứng dụng do các GS của ĐH Orlean (CH Pháp) giảng bài. Các sinh viên này cũng đã học tập với kết quả rất đáng khích lệ. Sinh viên tốt nghiệp Nguyễn Phước Tài đã nhận được học bổng tiến sĩ tại ĐH Tours.

Được sự giúp đỡ của GS Dương Nguyên Vũ (chuyên gia của EU về CNTT), một số GV trẻ của Khoa đã tìm được GS hướng dẫn để theo học TS về CNTT. GV Nguyễn Tân Khoa theo hướng này đã đến học tại một Trường ĐH của Thụy Điển với chuyên ngành Đồ họa máy tính. Thông qua chương trình hợp tác với ĐH Canbera (Úc), các GV Lê Minh Trung, Nguyễn Thanh Phước và Huỳnh Tấn Đạt đã đến Khoa CNTT của Trường này đê học TS và ThS Công nghệ thông Tin. Một kế hoạch hợp tác với ĐH Monash (Úc) về nghiên cứu khoa học cũng đã được thảo luận tích cực và sẽ tiếp tục tìm hiểu để có thể xúc tiến được trong tương lai.

Một trong các điểm mạnh của Khoa Toán-Tin được nhà trường đánh giá cao là quan hệ với các doanh nghiệp. Thông qua các hoạt động hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực, Khoa Toán-Tin còn nhận được sự hỗ trợ tài chính của các doanh nghiệp này để khen thưởng các sinh viên có thành tích cao trong các kỳ thi sinh viên giỏi toàn quốc về Toán và Tin học. Các doanh nghiệp sau đây đã hỗ trợ cho Khoa Toán-tin rất nhiều trong thời gian qua

  1. Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bình tây (BITEX)
  2. Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Tín Thành (INTOC)
  3. Công ty cổ phần công nghệ SILICOM
  4. Công ty dược Thuận Gia (Ông/Bà Trần Quang Cang)
  5. Công ty dược Hoàng Long (Ông/Bà Trần Anh Dũng)
  6. Công ty SEAPRODEX Saigon
  7. Công ty cổ phần KHAI TRÍ

Công ty BITEX hàng năm tài trợ để Khoa bồi dưỡng khả năng sử dụng máy tính bỏ túi cho sinh viên tốt nghiệp phục vụ cho công việc giảng dạy ở bậc THPT. Công ty cũng đã bán máy tính CASIO FX 570 ES với giá ưu đãi để khoa có thể tặng mỗi sinh viên tốt nghiệp ngành Toán một máy tính như vậy. Ngoài ra, BITEX còn hỗ trợ kinh phí hằng năm để khoa tặng thưởng cho sinh viên đạt giải thưởng cao trong kỳ thi olimpic Toán học sinh viên toàn quốc. Công ty INTOC hằng năm cũng hỗ trợ tài chính để Khoa tặng thưởng cho sinh viên đạt giải cao trong kỳ thi olimpic tin học sinh viên toàn quốc. Các công ty còn lại đều đã có những sự hỗ trợ tài chính cho Khoa khi diễn ra các hội nghị, hội thảo quốc gia, quốc tế và các dịp lễ hội quan trọng.